Người Công Giáo cầu nguyện như thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi người Công Giáo cầu nguyện như thế nào và cách cầu nguyện ra sao? Mời độc giả đọc hết bài viết này.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Nhiều năm trước, một Cha giáo đã dạy các thầy chủng sinh rằng: “Các con hãy nhớ, các con không được phép nhai kẹo cao su trong khi cầu nguyện.” Một trong các thầy chủng sinh liền hỏi lại: “Thưa Cha, chúng ta có được cầu nguyện trong khi nhai kẹo cao su không?” “Tất nhiên là có”, cha giáo trả lời. Các thầy ngạc nhiên vì làm thế nào để có thể thực hành những hướng dẫn mâu thuẫn này.

Mẩu truyện trên đây muốn nói rằng cầu nguyện vừa là một hành động tự thân vừa là cách thức sống của trọn đời sống con người. Cầu nguyện có khi như một nghi thức, có khi không cần như vậy. Cầu nguyện có khi bằng khẩu nguyện, có khi thinh lặng, có khi là hoạt động, có khi là chiêm niệm. Cầu nguyện là trò chuyện với Thiên Chúa. Giống như chúng ta nói chuyện và chia sẻ với những người bạn tốt nhất của mình về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta cũng nói chuyện với Thiên Chúa như vậy. Giống như lắng nghe bạn bè tâm sự, chúng ta cũng lắng nghe Thiên Chúa trong một cách thức tương tự.

3 cách cầu nguyện phổ biến của người Công Giáo

Như khi chúng ta giao tiếp với nhau, việc cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Chúng ta thân thưa với Thiên Chúa bằng lời nói hay các bài thánh ca; bằng trí tưởng tượng hay bằng chính sự thinh lặng của chúng ta. Chúng ta đến với Thiên Chúa qua một nghi lễ chính thức hoặc bằng sự tự phát nào đó. Chúng ta có thể cầu nguyện trong nhà thờ, trong vườn, trên xe, hoặc ngay cả trong lúc tắm rửa. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện trên giường. Khi vừa thức dậy, chúng ta dâng ngày mới cho Chúa và tạ ơn Ngài trước khi đi ngủ. Người Công giáo tin rằng, với ý hướng ngay lành, mọi khoảng khắc của ngày sống – những niềm hy vọng, công việc, niềm vui, những nỗi khổ đau – đều có thể trở thành nội dung rất ý nghĩa cho lời cầu nguyện.

Người Công Giáo cầu nguyện như thế nào?

Các tín hữu cầu nguyện theo nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Giáo Hội dạy chúng ta ba cách phổ biến nhất như sau:

Khẩu nguyện

Khẩu nguyện là thưa với Thiên Chúa tất cả những gì đang xảy ra trong tâm trí chúng ta. Khẩu nguyện có thể đơn giản mà tâm tình như “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì một buổi sáng đẹp trời này.” Đó có thể trang nghiêm như khi cử hành Thánh lễ vào một dịp đặc biệt nào đó. Khẩu nguyện cũng có thể mãnh liệt và cấp bách như lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni: “Xin đừng theo Ý Con, nhưng xin cho Ý Cha được thể hiện.”

Hầu hết các tín hữu đều biết đến những lời cầu nguyện truyền thống từ khi thơ bé. Những lời cầu nguyện truyền thống như kinh Vì Dấu Thánh Giá, kinh Kính Mừng, kinh Lạy Cha, và kinh xin ơn thánh hóa bữa ăn. Đó cũng có thể là kinh Dâng Ngày và kinh trước khi đi ngủ. Theo thời gian, nhiều tín hữu đã học thêm những kinh khác như kinh Hãy Nhớ, kinh Lạy Nữ Vương, kinh Lạy Mẹ Thiên Chúa để cầu nguyện vào mỗi thời điểm thích hợp.

Người Công giáo thường cầu nguyện theo nhóm. Khi hai hay nhiều người tụ họp lại với nhau để dâng trọn tâm hồn mình lên Chúa thì lời cầu nguyện của họ được gọi là lời cầu nguyện chung. Những ví dụ về lời cầu nguyện chung là Kinh Mân Côi, những lời cầu nguyện sùng kính bao gồm cả những bài thánh thi và những lời kinh cầu nguyện, những lời cầu nguyện trong lớp học, và quan trọng nhất là Thánh Lễ. Cùng đứng với nhau đọc kinh Tin Kính trong Thánh lễ (“tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất…” là một kinh nghiệm mạnh mẽ vừa diễn đạt vừa định hình Đức tin của chúng ta. Mặc dù chúng ta có thể dâng những lời cầu nguyện tương tự trong suốt cuộc đời của chúng ta, nhưng ý nghĩa của những lời nguyện ấy sẽ lớn lên và thay đổi theo những kinh nghiệm sống của chúng ta. Và chắc chắn kinh Lạy Cha mang ý nghĩa rất khác biệt giữa hai người, một người vừa mới chôn cất cha mình với một đứa trẻ mới chỉ có những kinh nghiệm mơ hồ về Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện khẩu nguyện không chỉ là “việc trải qua những cảm xúc,” nhưng chúng là dấu chỉ của một niềm tin sống động trong chúng ta.

Trong Thánh Lễ, cha chủ tế mời gọi mỗi người: “Hãy nâng tâm hồn lên.” Khi chúng ta chân thành đáp lại: “Chúng con đang hướng về Chúa”, thì chúng ta biết rằng chúng ta đang thực sự cầu nguyện, vì đó là lời cầu nguyện – nâng tâm hồn lên Thiên Chúa.

Suy Niệm

Suy niệm là suy ngẫm hay phản tỉnh về Thiên Chúa. Khi chúng ta suy niệm, chúng ta giữ cho lòng mình tập trung và hướng về Thiên Chúa để có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống chúng ta, đồng thời đáp lại những gì Ngài đang mời gọi chúng ta thực hiện. Nhiều thứ có thể giúp chúng ta tập trung và khơi nguồn cho trí tưởng tượng khi suy niệm. Chúng ta có thể sử dụng Kinh Thánh, đặc biệt là Tin Mừng; những lời cầu nguyện truyền thống; những tác phẩm các cha linh hướng; những hình ảnh tôn giáo; hoặc lịch sử. Suy niệm còn được gọi là cầu nguyện phản tỉnh, dẫn chúng ta đến cuộc trò chuyện với Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng chúng ta đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta có thể lắng nghe Ngài nói với chúng ta. Chúng ta bước vào không gian và thời gian thánh thiêng của Thiên Chúa và nhận biết rằng Ngài luôn ở bên chúng ta mọi lúc, mọi nơi.

Chiêm niệm

Khi chúng ta đắm chìm vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự an nhiên tự tại thì chúng ta đang cầu nguyện chiêm niệm. Khi chiêm niệm, chúng ta dành thời gian ở với Chúa trong thinh lặng và ý thức rằng Ngài đang ở bên chúng ta. Để hiểu cách thức chiêm niệm như thế nào, chúng ta có thể so sánh chiêm niệm với việc suy nghĩ hoặc chiêm ngắm một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp. Chúng ta ý thức về tất cả những đang trải nghiệm, nhưng phản ứng của chúng ta là thing lặng. Khi kinh nghiệm về Thiên Chúa một cách cá vị, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu của Ngài và chờ đợi Ngài nói chuyện với chúng ta theo cách riêng của Ngài. Điều quan trọng là dành thời gian để thư giãn và lắng nghe trong sự hiện diện của Chúa, tìm kiếm sự hiệp nhất với Chúa, Đấng hằng yêu thương chúng ta.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *