Chùa Đậu ở Thường Tín thờ Bà Đậu hay Đại Bồ Tát Pháp Vũ.
Lịch sử Chùa Đậu ở Thường Tín
Theo truyền thuyết, chùa được dựng dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai (602 – 939), nhưng theo văn bia, chùa được xây dựng từ thời triều nhà Lý.
Theo vị trụ trì của chùa là Đại Đức Thích Thanh Nhung, Sĩ Nhiếp đã cho lập ngôi chùa này vào đầu thế kỷ thứ 3 (từ năm 200 cho đến 210). Trước đó, trong một lần quân của ông đến khu vực của làng Gia Phúc đã nhận ra địa thế linh thiêng của khu vực này, bèn lập tức trình lên Sĩ Nhiếp. Thấy vậy, ông đã cho dựng chùa để cho dân chúng tu hành, đồng thời đặt tên chùa là Thành Đạo tự với ý nghĩa đây là mảnh đất của Phật. Sau đó, ông cho người rước Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát về chùa thờ nên chùa còn được gọi là Pháp Vũ Tự.
Cho đến năm 1635 dưới thời vua Lê Thần Tông, chùa khi đó đã bị xuống cấp theo thời gian. Bà Ngô Thị Ngọc Nguyên – vốn là cung tần trong triều đình – đã làm hội chủ hưng công khởi xướng trùng tu lại quy mô chùa. Chùa Đậu được trùng tu với quy mô lớn và trở nên khang trang bề thế, được phong tặng là “Đệ nhất đại danh lam”. Đồng thời trở thành nơi phật tử và người dân xung quanh coi là nơi đất Phật. Các bậc trí sĩ cũng thường lưu tới để cầu mưa cho cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Lần tôn tạo này cũng được khắc trên văn bia lưu giữ tại chùa.
Vào thời Pháp thuộc, chùa đã bị tàn phá và đốt cháy. Nhờ công đức của người dân và các mạnh thường quân, chùa mới được khôi phục lại phần nào. Cho đến khoảng thời gian trước đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội vào năm 2010, chùa Đậu đã được tu sửa, cải tạo và mang diện mạo như ngày hôm nay.
Chùa Đậu Thường Tín được xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật loại A vào năm 1964. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng đã xác lập kỷ lục chùa Đậu là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam và kỷ lục có Quyển sách ghi lịch sử chùa bằng đồng xưa nhất Việt Nam vào năm 2007.
Kiến trúc chùa Đậu Thường Tín
Chùa Đậu ở Thường Tín, thành phố Hà Nội ngày nay được xây dựng với một quy mô lớn theo kết cấu “nội công ngoại quốc”. Các hạng mục chính tại chùa Đậu bao gồm: Tam quan, nhà tả vu – hữu vu, tiền đường, tam bảo, nhà tổ… Xung quanh chùa có một hồ nhân tạo rộng khoảng 5 mẫu, ở giữa là một phương đình lớn tạo hình giống đài hoa sen được bắc qua một chiếc cầu tre.
Cổng Tam quan chùa Đậu Thường Tín là một công trình kiến trúc hai tầng tám mái, tầng trên treo quả chuông đồng có niên đại từ năm năm Cảnh Thịnh thứ 9 tức năm 1801 vào thời Tây Sơn. Tiêu biểu là phần mái được lợp bằng ngói vảy cá đỏ, các góc mái được đắp theo hình đầu đao cong vút chuẩn lối kiến trúc của thời Lý. Ngoài ra, các mảng chạm bên trong và ngoài cổng Tam quan đều được khắc họa rồng chầu mặt nguyệt, lân, phượng, ngựa và hoa cỏ kết hợp với chữ Hán mang nét đặc trưng cho chuẩn mực nghệ thuật thuộc thế kỷ XVII.
Qua cổng Tam quan là đến khu vực khuôn viên của chùa. Khuôn viên chùa Đậu khá rộng rãi với phần nền được ốp chủ yếu bằng gạch đỏ với phần lối đi dẫn vào chính điện được lát gạch trắng. Nhìn về phía 2 bên ta sẽ thấy 2 tòa nhà tả vu, hữu vu chính là nơi dừng chân nghỉ ngơi của du khách hành hương khi đến chùa Đậu.
Chính điện gồm gian Tiền đường phía trước. Hai dãy hành lang song song hai bên dẫn ra khu vực nhà tổ ở phía sau theo kiểu kết cấu một khung vuông bao bọc lấy tòa Thiêu hương và điện thờ Bà Đậu. Dãy hành lang này cũng là nơi đặt thờ các vị La Hán và năm tấm bia đá.
Tiền đường mang đậm kiến trúc nghệ thuật của thời Lê với các nét chạm trổ rất tinh tế tỉ mỉ, nét chạm điêu luyện dứt khoát. Bên ngoài bậc thềm có tượng đôi rồng đá niên đại lịch sử hơn 500 năm tuổi. Tại Thượng điện có đặt một bệ đá mang phong cách thế kỷ XVI, bên trên đặt một tòa cửu long và tượng Phật Thích Ca bằng đồng đứng trên tòa sen. Phía sau là một điện nhỏ thờ tượng thần Pháp Vũ mới được phục chế lại vào giữa thế kỷ XX. Cách bố trí tượng thờ tại chùa Đậu thể hiện cấu trúc “tiền Phật, hậu thánh” của hệ thống Tứ pháp nhà Phật.
Chùa Đậu đón mùa Phật Đản năm 2022
Chùa Đậu ở Thường Tín vào hội