Tượng Bồ tát Địa Tạng và những điều Phật tử nên biết

Địa Tạng Vương Bồ Tát là vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh và bảo vệ trẻ em. Ngài vô cùng gần gũi với mọi chúng sinh, hết mình cứu giúp khổ nạn.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tượng Bồ tát Địa Tạng không phải là việc ngẫu hứng thích là mua được. Thờ Bồ tát Địa Tạng với tâm hướng luôn luôn mong mỏi lĩnh hội được ngọn đèn trí tuệ của Ngài, xa lìa khổ não, không đọa ác đạo.

Bồ tát Địa Tạng là ai?

Bồ tát Địa Tạng tục danh tên là Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), sinh vào thế kỷ thứ VII, năm 696 TL, tại nước Tân La (Silla), hiện nay là Hán Thành, thuộc Nam Hàn.

Bồ tát Địa Tạng là một trong sáu vị Bồ tát của Phật giáo Đại thừa. Năm vị còn lại là Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát và Di Lặc Bồ tát.

Bồ tát Địa Tạng là một vị Bồ tát đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn. Ngài là giáo chủ của cõi U Minh. Địa là đất. Tạng là trùm chứa. Bồ tát có lập đại nguyện tế độ tất cả chúng sinh cũng như đất là nơi nương tựa cho muôn sự muôn vật nên gọi là Địa. Cũng có người lý giải nghĩa của chữ “Địa” nương theo Kinh Địa Tạng có viết: “U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma Ha Tát”. Vì cách sử dụng từ ngữ trong kinh điển hết sức sát nghĩa và rõ ràng nên “Bổn” là Bổn tâm, “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Như vậy, chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa. Chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi u minh, tức là làm chủ cõi địa ngục tham – sân – si của chính mình.

Ngài vốn là một Hoàng tử, sống trong lầu son nhung lụa, ở cung vàng điện ngọc, thế nhưng tính Ngài lại thích đạm bạc, không bị ảnh hưởng bởi nếp sống vương giả phong lưu đài các, mà chỉ chăm lo học hỏi và ham đọc Thánh hiền.

Vào năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, sau khi tham khảo hết Tam giáo, Cửu lưu và Bách gia chư tử thì Ngài bèn buông lời cảm thán: “So với Lục kinh của Nho gia, Đạo thuật của Tiên gia, thì lý Đệ nhất Nghĩa đế của nhà Phật là thù thắng hơn hết, rất hợp với chí nguyện của ta.” Sau đó lập chí xuất gia vào lúc 24 tuổi.

Tượng Bồ tát Địa Tạng và những điều Phật tử nên biết

Sau khi xuất gia, Bồ tát Địa Tạng thích đến chỗ vắng vẻ tu tập tham thiền nhập định, nhân đây bèn nghĩ đến việc hành cước, tìm một nơi thanh vắng để tĩnh tu. Ngài chuẩn bị thuyền bè, đem theo một ít hành trang và lương thực, đồng thời dắt theo con bạch khuyển tên Thiện Thính, đã theo Ngài từ lúc xuất gia. Ngài một mình tự lái thuyền rời bến Nhân Xuyên, trương buồm ra khơi, tùy theo hướng gió mà đi, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đến cửa sông Dương Tử (Trung Hoa). Thuyền bị mắc cạn trên bãi cát, Ngài bèn bỏ thuyền đi bộ lên bờ, tiếp tục cuộc hành trình. Sau nhiều ngày lang thang, Ngài đến chân núi Cửu Tử ở huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy. Thấy phong cảnh nơi đây hùng vĩ, sơn xuyên tú lệ, Ngài bèn quyết định ở lại. Ngài đi dọc theo triền núi lên phía trên cao để khảo sát, phát giác khoảng giữa các ngọn núi là một vùng đất bằng phẳng, cảnh trí nên thơ vô cùng tĩnh mịch, bèn trèo lên mỏm đá bên cạnh một khe nước suối. Một hôm, đang lúc tĩnh tọa, bỗng có một con rắn độc nhỏ đến cắn vào đùi, nhưng Ngài vẫn an nhiên bất động. Giây lát sau, một người đàn bà tuyệt đẹp từ trên vách núi bay xuống, đến bên cúi lạy, đưa thuốc cho Ngài và nói: “Đứa bé trong nhà rắn mắt, xúc phạm tôn nhan. Thiếp xin tạo một con suối mới để đền đáp lỗi lầm của cháu nhỏ.” Nói xong biến mất. Chưa đầy một sát na, trong vách núi ào ra một dòng suối cuồn cuộn chảy xuống. Từ đó, Ngài không còn phải lao nhọc đi xa gánh nước về. (Đây là dòng suối Long Nữ Tuyền nổi danh ở núi Cửu Hoa).

Bồ tát Địa Tạng tu hành ở núi Cửu Hoa Sơn 75 năm. Thọ đến 99 tuổi. Suốt thời gian tu khổ luyện ở đây, Ngài không hề trở về nước Đại Hàn. Ngài nhập Niết bàn vào ngày 30 tháng 7 năm Đường Khai Nguyên thứ 26. Ba năm sau khi Ngài viên tịch, thì tọa quan của Ngài tự động mở cửa. Và trong đó thi thể và dung mạo của Ngài y hệt như người sống. Tay chân vẫn mềm dẻo như có thể di chuyển được.

Hình tượng Bồ tát Địa Tạng

Hình tượng Bồ tát Địa Tạng trong tư thế ngồi là một vị Bồ tát với vầng hào quang trên đầu, đầu đội mão tỳ lư, ngồi trên tòa sen do Đề Thính đỡ trên tòa sen. Tùy khí của ngài chính là viên ngọc Như Ý mà ngài thường cầm nơi tay trái tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm, còn tay phải cầm tích trượng để mở cửa địa ngục. Một số tranh tượng ở Việt Nam và Trung Quốc có khắc họa hình ảnh Bồ tát Địa Tạng đội mũ thất Phật và mặc áo cà sa đỏ.

Hình tượng Bồ tát Địa Tạng trong tư thế đứng: mình đắp áo cà-sa, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm hạt châu như ý, hiện tướng một vị Tỳ kheo Tăng đứng trên tòa sen báu.

Hình tượng Bồ tát Địa Tạng được tôn dựng trong các chùa, tháp thờ tro cốt, hương linh ở các tự viện, với mong muốn rằng Bồ tát Địa Tạng có thể dẫn dắt hương linh của chúng ta thoát khỏi chốn u đồ tối tăm, về với ánh sáng Phật pháp; thoát khỏi khổ đau luân hồi sinh tử.

Công đức tạc dựng tôn tượng Bồ tát Địa Tạng

Trong kinh Đức Phật dạy Phổ Quảng Bồ tát như sau: “…Trong đời vị lai nếu có chúng sinh nào nghe đến danh tự của Địa Tạng Bồ tát hoặc có người cung kính chắp tay lễ bái, người đó có thể vượt qua 30 kiếp tội nghiệp.

Nầy Phổ Quảng! Nếu có người thiện nữ nào họa vẽ hình tượng của Địa Tạng Bồ tát rồi chiêm ngưỡng lễ bái, người ấy sẽ có thể được 100 lần vãng sinh về cõi trời Đạo Lợi và vĩnh viễn không bao giờ đọa vào ác đạo.

Như có người nữ nào nhàm chán thân gái, hết lòng cúng dường, hoặc dùng đất đá, nhựa sơn, hoặc dùng vàng bạc, đồng thiết tạo nên hình tượng của Địa Tạng Bồ tát, cúng dường như thế mãi không thôi, thì trong trăm nghìn muôn kiếp không còn thọ thân người nữ…” (Kinh Địa Tạng – phẩm 6 – Phật dạy sự lợi ích, Khỏi nữ thân, trang 83-84, bản dịch Hòa thượng Thích Trí Tịnh).

Dốc lòng niệm tụng Bồ tát Địa Tạng, lễ bái cúng dường hình, tạc dựng tôn tượng của Bồ tát Địa Tạng thì xa lìa khổ não, không đọa ác đạo. Trời rồng hộ niệm, quả lành ngày thêm lớn. Không lui sụt đạo giác ngộ, áo cơm đầy đủ, không bị bệnh dịch, khỏi nạn lửa nước. Không có giặc hại, người thấy cung kính, quỷ thần hộ trì….

Thỉnh tượng Bồ tát Địa Tạng như thế nào?

Tượng Bồ tát Địa Tạng không phải là việc ngẫu hứng thích là mua được. Việc mua, thỉnh tượng Bồ tát Địa Tạng phải xuất phát từ sự thành tâm của gia chủ muốn thỉnh tượng Bồ tát Địa Tạng về nhà để thờ. Thờ Bồ tát Địa Tạng với tâm hướng luôn luôn mong mỏi lĩnh hội được ngọn đèn trí tuệ của Ngài. Để biết điều đúng sai, một lòng hướng thiện giúp ích cho đời. Chứ không phải để cầu ban phước trừ họa.

Tượng Bồ tát Địa Tạng và những điều Phật tử nên biết-1

Phật tử có thể mua, thỉnh tượng Bồ tát Địa Tạng bằng gỗ, bằng gốm sứ, bằng đồng… đều được. Trước khi thỉnh tượng Bồ tát Địa Tạng về nhà nên gửi vào chùa làm lễ khai quang điểm nhãn, sau đó rước tôn tượng Bồ tát Địa Tạng và làm lễ an vị. Trong những ngày thực hiện việc thỉnh tôn tượng Bồ tát Địa Tạng, gia chủ nên ăn chay thanh tịnh, trì tụng thập chú, kinh Phật sau đó thỉnh rước tượng Bồ tát Địa Tạng về tôn thờ tại gia.

Thờ Bồ tát Địa Tạng thì bàn thờ phải trang nghiêm, hàng ngày cần quét dọn, rút bớt chân hương, nếu hoa quả khô héo thì nên thay mới để cúng dường. Vào những ngày sóc vọng (ba mươi, mùng một – mười bốn, mười lăm âm lịch hàng tháng) thì nên sắm sinh nhang đèn, hoa trái trang nghiêm dâng cúng.

Không nhất thiết phải lau tượng mỗi ngày. Chỉ khi nào nhận thấy tượng Bồ tát Địa Tạng bị khói bụi bám vào thì mới “tắm” tượng. Dùng một chiếc khăn sạch mới tinh lau tôn tượng Ngài theo hướng từ trên xuống cho đến khi sạch sẽ.

Không nên xức các loại nước hoa thơm cho tượng Bồ tát Địa Tạng. Vì đó là những sản phẩm với hương vị đặc thù tạo ra sự dính mắc, trói buộc và mê đắm cho thế gian, nói chung là “mùi thơm bất tịnh”.

Thờ Bồ tát Địa Tạng phải thành tâm. Gia chủ phải giữ gìn Ngũ giới, đặc biệt là không sát sinh tại tư gia. Giữ gìn thân – khẩu – ý trong sạch, tham thiền, niệm Phật, lạy sám hối, làm lành lánh dữ…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *