Thích Nhất Hạnh là ai? Tiểu sử Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thế danh là Nguyễn Đình Lang, sau đổi thành Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 – mất ngày 22 tháng 1 năm 2022.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình, là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu rộng trên khắp thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khóa tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ…

Thích Nhất Hạnh là ai? Tiểu sử Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp, Thiền sư cũng tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hóa Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn thế hệ nối tiếp.

Tóm tắt cuộc đời tiểu sử Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế.

Ngài là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em, cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ.

Năm 1942, ngài xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Tháng 9 năm 1945, ngài thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân. Năm 1947, ngài theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế.

Năm 1949, ngài rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.

Tháng 10 năm 1951, ngài thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu.

Năm 1954 ngài được Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt.

Năm 1955, ngài làm chủ bút nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.

Năm 1957, ngài thành lập Phương Bối Am, Bảo Lộc. Từ năm 1961 – 1963, tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Mỹ; sáng tác đoản văn “Bông Hồng Cài Áo”.

Năm 1964, ngài được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.

Năm 1965, ngài thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Năm 1966, sáng lập Dòng tu Tiếp Hiện. Ngày 1.5.1966, được Bổn sư phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trú trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch.

Ngày 11 tháng 5 năm 1966, ngài rời Việt Nam kêu gọi Hòa bình, bắt đầu 39 năm sống và truyền đạo ở nước ngoài. Năm 1967, ngài được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình.

Năm 1968 – 1973, ngài vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Trong thời gian này, ngài được mời dạy môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” tại Trường đại học Sorbonne (Pháp) và soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận 3 tập với bút hiệu Nguyễn Lang.

Tháng 9 năm 1970, ngài được GHPGVNTN chính thức đề cử làm lãnh đạo Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Hội nghị Paris. Tháng 5.1970, ngài tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được ông cam kết yểm trợ.

Năm 1972, ngài chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng với nội dung: sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất. Năm 1971, ngài thành lập Phương Vân Am, Paris.

Năm 1982, ngài thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp. Năm 1998, thành lập Tu viện Thanh Sơn, Mỹ; năm 2000, thành lập Tu viện Lộc Uyển, Mỹ. Năm 1999, cùng với các chủ nhân giải Nobel Hòa bình soạn thảo Tuyên ngôn 2000 về một nền hòa bình và bất bạo động cho thiên niên kỷ mới.

Năm 2005, ngài trở về Việt Nam lần thứ nhất. Thành lập tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc. Năm 2007, trở về Việt Nam lần thứ hai, tổ chức ba Đại Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế tại ba miền. Năm 2008, trở về Việt Nam lần thứ ba, thuyết giảng tại lễ Vesak Liên Hiệp quốc.

Từ năm 2008, ngài thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, Đức; Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan, Mỹ; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris (Pháp); Làng Mai Thái Lan; Viện Phật học Ứng dụng Châu Á, Hồng Kông; Tu viện Nhập Lưu, Úc; Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch, Việt Nam; tiếp tục mở rộng công trình hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên khắp thế giới.

Từ tháng 10.2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam. Ngài đã an trú, tịnh dưỡng tại đây cho đến 00:00 giờ ngày 22.1.2022), an nhiên thị tịch tại Thất Lắng Nghe, Tổ đình Từ Hiếu (nay phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Tang lễ của ngài được Đạo tràng và môn đồ pháp quyến tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về cõi âm cõi dương

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – buông bỏ căng thẳng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *