Vào lò gạch

Nhà mình xây nhà năm Nhâm Thân 1992. Mình vẫn nhớ chữ viết trên thượng lương là ngày 14 tháng 12 năm 1992. Năm nay nó được 31 tuổi rồi.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Nhưng để làm được nhà năm 1992 thì từ 1990 Bố mình đã đóng gạch cất dự trữ rồi. Gạch đóng bằng tay. Vất vả vô cùng. Thấy bố mẹ nhào đất ngoài vườn, rồi xẻ đất ngoài sân đóng từng viên một. Lúc se se mặt thì đi lật gạch cho khô. Khô vừa vừa thì lên cáng cho khô hẳn. Nhớ có năm gió mùa áp thấp, trời mưa cáng phơi gạch đổ hết. Ngày đó đồ che không có. Toàn che bằng tàu lá chuối. Hoặc lấy rạ kẹp vào cái tre, thành cái phên để che. Đến cái áo mưa cũng không có mà mặc nữa, mẹ mình thì có cái áo mưa cắt từ cái tấm nilon bên trong bao đạm Ure. Còn Bố thì không có, thấy Bố mẹ ướt như gà gặp bão. Lúc đó bé, nhưng vẫn nhớ.

Gạch khô rồi thì đem cất đi, đóng loạt khác. Để vào được lò 1 vạn rưỡi. Thì gạch khô để ngổn ngang khắp nơi nơi. Trong bếp. Trong nhà. Đầu chái nhà. Chuồng trâu. Chuồng lợn. Cứ chỗ nào cất được gạch khô là đem nhét vào. Nhà chật thì đem xe thồ chở đi gửi cô dì chú bác khắp làng. Mỗi năm chỉ đóng được 1 lò là cùng.

Đóng gạch xong thì quay ra đóng than, móng tay bố mẹ đen sì, khoảng sân trước nhà cũng đen sì, chân tay trẻ con cũng dính bụi than.

Vào lò gạch

Vào lò gạch

Hôm vào gạch thì vui.

Từ hôm trước Mẹ đã phải đi mượn quạt của cả xóm rồi. Ngày đó chưa có điện, vẫn quạt bằng cái quạt dùng quạt thóc ấy.

Mãi năm 94 có điện mới đỡ. Mình còn bé, đi học mà háo hức. Chỉ muốn được nghỉ ở nhà bê gạch. Vừa là vui. Lại được ăn cỗ. Lại không phải đi học. Háo hức không kém gì tết. Nhưng Bố mẹ ko cho nghỉ. Đi học ngồi trong lớp nhìn qua ô cửa chỉ ngóng nhìn về làng, thấy khói xanh bay lên ở khu nhà mình là vui lắm.

Tan học là 3 chân 4 cẳng chạy một mạch về nhà còn ăn cỗ. Rồi xem có củ khoai hay cái ngô nào còn nướng. Nhanh nhanh không ở nhà mấy đứa em nhà chú nhà cậu, mấy ông anh ăn hết mất.

Bấy giờ toàn anh em bạn bè của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng đến làm giúp ăn cơm. Bữa trưa cũng chẳng có gì to tát đâu. Cũng chỉ có con cá nấu su hào. Có thịt lợn kho với dừa. Đậu rán chấm mắm tôm. Nhưng thời đó đói khổ nên ai cũng ngon miệng. Ăn khỏe vô địch. Ông cậu họ bên mẹ mình, là cậu Nghĩa. Cậu ăn khỏe, lại thèm ăn, được ăn thả phanh 11 bát, đến chiều tức bụng không làm được, ngồi xếp gạch trên mặt lò mà cứ è bụng ra. Cứ ngồi lê ở trên mặt lò gạch. Đến tối vẫn no không ăn được cỗ. Cậu mất 15 năm rồi. nghĩ thương.

Bữa tối là bữa chính có cỗ. Cỗ ngày xưa thì nó là điều gì đó kinh khủng rồi. Thời túng đói mà. Không có đi vào lò gạch hộ thì làm gì có miếng thịt miếng giò mà ăn.

Xong lại còn thức đêm trông lò nữa. Gỗ lạt cất giấu cả năm được tập kết về sân để đốt lò. Xong lại kiếm một cây tre tươi. Đến nửa đêm, khi nào than đượm lửa thì có thao tác gọi là “thông cầu” cầm cây tre tươi xọc xọc vào cửa lò xuyên sang bên kia cho lưu thông khí.

Xong lại còn xuống ao móc bùn. Rồi trộn với rơm. Thức suốt đêm, thậm chí là mấy đêm để trát lò.

Nhà đông anh em còn đỡ, nhà ít anh em thì vất vả. Nhà mình bên nội có mỗi ông chú và bên ngoại có mỗi ông cậu. Chú mình là chú Thao người nhỏ nhỏ nhưng nhanh nhẹn. Vác gạch lên vai tận mười hai hòn. Mình bé nhìn chú như siêu nhân. Xong nghiêng vai đổ rụp phát lên mặt lò gạch. Chú mất năm 1997 đang mùa đốt lò. Lúc đó chú có 37t. Nghĩ thương!

Ông cậu ruột của mình, cậu Hồng, tài đốt lò. Cậu khéo lắm, cậu biết tính bao nhiêu gạch, diện tích lò bao nhiêu thì làm bao nhiêu cửa, chứ ko làm tù mù được. Xong lại bao nhiêu gạch thì cho ăn bao nhiêu than, lại bao nhiêu hàng thì có một hàng phủ. Rồi mấy kẹp mấy… hoàn toàn do kinh nghiệm bao năm mà ra. Cậu đi đốt gạch làm giúp cả làng. Hầu như nhà nào cũng đến nhờ cậu làm chủ lò. Chẳng có tiền nong công sá gì đâu. Được bữa ăn thôi. Khói lò toét mắt. Mùa đốt gạch cậu ho sù sù vì hít nhiều khói lò.

Cậu mất cũng 23 năm rồi. Lúc đó mới có 41t. Nghĩ thương.

Lò cháy hết thì lại phải “đổ dát”. Tức là đổ lớp phủ mặt để giữ độ nóng của gạch. Cho gạch nó già. Thời mới có phong trào đốt gạch, ít kinh nghiệm. Có nhà thì cho ăn non than quá, gạch không chín. Lúc ra lò hai vợ chồng nhìn nhau như mếu. Gạch không chín, nửa chín nửa đen. Gọi là gạch “mõm chó”, loại này dở ông dở thằng. Đem đốt lại thì nứt vỡ hết, mà đem xây thì vài năm là mủn ra. Lại có nhà rút kinh nghiệm của nhà kia, cho ăn thêm than, thành ra nhiều nhiệt quá. Gạch già biến dạng, đen sì, dính vào nhau cả tảng to như cái giành thóc. Quê gọi là “đầu trâu”. Loại đầu trâu này chẳng biết làm gì. Mang được nó ra khỏi lò cũng mệt, đành xếp góc vườn.

Vào lò gạch

Đốt gạch ngày xưa là điều gì đó lớn lao lắm đối với 1 gia đình. Nó như kiểu tổng kết kinh tế cả một năm vậy. Ra lò mà gạch hỏng buồn còn hơn cha chết.

Lại có nhà cho ăn nhiều than quá, khóa góc không kỹ, hơi lửa đẩy phồng lò lên. Phải đi chặt chuối về chống. Nhà chú Thường ở cuối làng lửa nhiều quá đẩy phì ra sạt cả nửa lò, than hầm hập đỏ rực. Mấy em con chú Sơn nhà bên cạnh sang chơi, chẳng may bị gạch đổ vào, mất 1 em, 1 em thì bỏng nặng. Cũng 31 32 năm rồi. Nghĩ thương.

Năm 1992 làm được nhà thì 1993 bố mình đốt 1 lò làm bếp. Rồi 1994 đốt 1 lò bán. 1995, 1996, 97 98 99 tận 2000 cứ mỗi năm bố mình lại đốt một lò gạch. Lúc thì xây cái cầu ao cái giếng, lúc thì xây cái chuồng lợn. Khi thì làm cái bể, cái bờ rào. Không thì bán gạch đi mua lân đạm thuốc sâu, rồi thì đóng học cho anh em mình. Mảnh vườn trước nhà khoét thành thùng thành hố không khác gì B52 rải thảm. Xong lại ra đồng cắt trộm đất, rồi đêm sáng giăng bố mẹ đi chở về lấp hố để sang năm lại khoét đất đóng tiếp.

Lúc nào cũng quần quật ngoài đồng ngoài vườn với đất cát, như những con tò vò cặm cụi tha đất về làm tổ vậy.

Bố mình cũng mất 5 năm nay rồi. Nghĩ thương!

Ôi ngày xưa ơi…..

Nhớ ngày bé đi học có bài.

Gạch vào lò

Lửa bùng to

Khói ngùn ngụt

Than đỏ rực

Suốt đêm ngày

Gạch kề vai

Đứng chịu nóng

Hơi lửa bỏng

Quấn quanh người.

A, gạch chín rồi!

Áo hồng sắc lửa

Lanh canh tiếng cười

Gạch ơi! Gạch ơi!

Gạch rắn, gạch khoẻ

Áo thẫm, áo tươi

Gạch chào đất mẹ

Đi xây cuộc đời

Kìa, xe đã đến

Còi reo đón mời

Từng chuyến. Từng chuyến

Gạch đi đỏ trời…

Updated: 04/08/2023 — 3:14 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *