Đầu tiên học “nhận lỗi mình”
Chúng sinh thường chẳng có thành thật đâu
Cho rằng mình đúng trước sau; Lỗi lầm nếu có đổ mau cho người
Khi ta chối lỗi, than ôi!
Chính là lỗi lớn nhất đời của ta!
Thứ hai phải học “nhu hòa”
Răng thời rất cứng, lưỡi ta rất mềm
Cuối đời răng sẽ rụng liền
Trong khi lưỡi vẫn còn nguyên cơ mà
Nên cần mềm mỏng nhu hòa
Đường tu tiến bộ! Đời ta lâu dài!
Thứ ba học “nhẫn nhục” hoài
Nhẫn thời sóng lặng, trùng khơi yên bình
Đồng thời vạn sự an lành
Nhẫn là dùng trí tuệ mình mà thôi
Để mà hóa giải việc đời
Chuyện to thành nhỏ, nhỏ thời thành không!
Thứ tư học “thấu hiểu” luôn
Khi ta hiểu rõ ngọn nguồn đầu đuôi
Sai lầm sẽ chẳng mắc rồi
Sẽ mau thông cảm, hết lời thị phi
Nghi ngờ, tranh chấp tiêu đi
Kề vai, chung sức thực thi hòa bình!
Thứ năm “buông bỏ” cho nhanh
Cuộc đời như một túi hành trang thôi
Lúc cần thì vác trên người
Không cần thì đặt xuống nơi bên lề
Đừng nên cố vác nặng nề
Đời người có hạn, có gì dài lâu
Buông xong, tự tại biết bao
Hòa cùng nhân thế ai nào trách chê!
Sáu là học “cảm động” đi
Với tâm Bồ tát, Bồ đề thương yêu
Vui vì ưu điểm người nêu
Buồn khi người gặp phải điều không may
Cõi lòng rung động đẹp thay
Dạt dào tình cảm, tràn đầy từ tâm!
Bảy là phải học “sinh tồn”
Giữ cho mạnh khoẻ mãi luôn thân mình
Bản thân được lợi đã đành
Khiến cho bè bạn, gia đình yên tâm
Giữ cho thân thể trường tồn
Cũng là hiếu với người thân của mình!