Nguồn gốc tục ăn trầu
Ngày xưa, có một chàng trai tên gọi Quang Lang. Chàng có tướng mạo cao lớn nên được nhà vua ban cho họ Cao. Chàng trai đó sinh được hai người con đặt tên là Tân và Lang. Hai anh em lớn lên theo học đạo sĩ họ Lưu. Lúc đó, nhà họ Lưu có người con gái đến tuổi lấy chồng nên đã gả cho người anh. Từ khi Tân có vợ, hai anh em nhà họ Cao không còn thân thiết như trước. Một hôm, người em vì quá buồn tủi nên đã bỏ đi. Giữa đường, người em gặp một con suối lớn không vượt qua được, chàng vừa đói, vừa mệt, vừa khát và cứ thế lả đi rồi chết. Sau khi mất, chàng hóa thành phiến đá vôi.
Người anh vì mãi không thấy em trở về nên đã lên đường đi tìm. Khi chàng đến bờ suối vì quá thương nhớ em nên đã chết và hóa thành cây cau mọc bên cạnh tảng đá vôi – hiện thân của người em. Vợ người anh đi tìm chồng cũng chết bên bờ suối đó và hóa thành cây trầu leo vấn vít trên cây cau. Lại tiếp tục đến cha mẹ đi tìm con gái, con rể, đến bờ suối nghe dân trong vùng kể chuyện, cảm động liền lập đền thờ ba người.
Một hôm nọ, vua Hùng đi tuần dừng chân bên bờ suối và nghe được câu chuyện của gia đình nọ. Nhà vua đã bảo cận thần hái một quả trên cây cau, ngắt một lá trầu rồi nhai thử cùng ít vôi từ tảng đá. Vua nhai ba thứ đó thì thấy người nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc mặt hồng hào. Lúc ấy, ông đã thốt lên rằng “Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ”. Vua bèn sai người lấy ba thứ ấy về rồi dạy dân lấy lửa nung đá cho xốp rồi lấy trái cây, lá dây leo, cuộn chung lại mà ăn. Vua cũng ban chiếu chỉ rằng những lễ cưới, tiệc lớn nhỏ đều phải lấy những món này ra làm vật phẩm trước để tượng trưng cho tình nghĩa anh em, vợ chồng. Kể từ đó, phong tục nhai trầu của người Việt ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Ý nghĩa tục ăn trầu
Miếng trầu xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt. Như người xưa đã nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu dùng để mời khách đến chơi nhà. Mâm cỗ cúng gia tiên cũng không thể thiếu được miếng trầu. Tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui. Miếng trầu, còn là tượng trưng cho tình yêu lứa đôi; miếng trầu đi đầu, tác hợp cho lứa đôi và là sợi dây kết chặt mối lương duyên trai, gái thành vợ thành chồng. Để đưa mâm lễ sang thưa chuyện nhà gái, nhà trai không thể thiếu được lá trầu, quả cau.
Mời trầu khách Theo tục ăn trầu, khi khách đến nhà, trước tiên, chủ nhà phải mang một cái bát có đựng nước kèm theo một cái muỗng (môi) đặt trên một cái đài để khách súc miệng. Sau đó, chủ nhà mang khay trầu ra tiếp đãi. Trên khay có đĩa đựng trầu, đĩa dựng cau, hủ vôi, hộp thuốc xỉa, dao, đĩa đựng vỏ giấy, vỏ cau… dưới chân lúc nào cũng có một ống nhổ lớn để khách nhổ bả trầu, nước trầu. Nếu khách là người ở tuổi trung niên, có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Nếu là người già, sẽ cho miếng trầu tiêm vào ống ngoáy để ngoáy cho mềm và sau đó mới nhai trầu. Bộ dụng cụ ăn trầu trưng bày được làm bằng nhiều nguyên liệu da dạng từ đồng, bạc cho đến gốm, bao gồm cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy. Hoa văn trang trí dụng cụ ăn trầu thường là những nét hoa văn, chạm trổ về phong cảnh quê hương đất nước, hoa lá hay động vật.
Trầu cau có vị như nào?
Miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gian. Miếng trầu gồm miếng cau, lá trầu quết vôi, phụ thêm miếng vỏ cây chát (miếng rễ).
Ăn trầu cau thì miếng trầu có vị ngọt của hạt cau, vị cay ở lá trầu, chát nóng từ vôi, cái bùi của rễ… tất cả như tạo nên sự kích thích, làm cho thơm miệng, đỏ môi…
Trầu cau khi ăn sẽ có vị ngọt của hạt cau, vị cay của lá trầu, cảm giác chát nóng từ vôi, … tất cả như tạo nên sự kích thích, làm cho thơm miệng, đỏ môi… Trong lúc nhai, để tẩy cổ trầu (dung dịch tạo thành do nước bọt hòa cùng hỗn hợp trầu-cau-vôi) và xác trầu thì người ta có thể dùng một nhúm nhỏ thuốc lào hoặc thuốc lá để chà răng (gọi là thuốc xỉa). Tác động này lên răng gọi là xỉa thuốc. Sau khi nhai khoảng 30-60 phút hoặc lâu hơn nữa tùy theo thói quen của từng người thì người ăn sẽ nhả bỏ những phần bã trầu cùng nhúm thuốc xỉa. Tiếp đến, người ta sẽ súc miệng bằng nước lã.
Cách ăn trầu cau của người Việt
Nguyên liệu ăn trầu cau sẽ gồm lá trầu (loại lá có màu xanh sẫm bóng và có các gân nổi rõ ở mặt bên dưới), quả cau (có màu xanh ánh vàng, hình nón, kích thước xấp xỉ cỡ quả trứng gà, bên trong lốm đốm) và ít vôi (loại vôi tôi để lâu, nhão, màu trắng hoặc màu hồng, thường bán chung ở nơi mua trầu cau). Lá trầu và cau sẽ được cất trong cơi trầu làm bằng đồng, vôi thì đặt trong bình vôi. Đầu tiên, người ta sẽ bổ cau ra làm sáu miếng nhỏ. Cau được chọn phải là cau tươi hoặc cau khô. Nếu là cau khô thì cần ngâm nước trước khi ăn khoảng 20 phút cho cau mềm ra. Tiếp đến, người ta sẽ dùng chìa vôi để quét vôi lên lá trầu, gấp lại rồi lấy một miếng cau vào miệng nhai nát hỗn hợp 3 món này.
Nếu những người lớn tuổi hoặc những người răng yếu thì sẽ cho hỗn hợp trầu cau và vôi vào ống giã trầu. Đây là dụng cụ có hình dáng tương tự như chum uống rượu với kích thước to nhỏ khác nhau tùy vào nhu cầu người dùng. Tiếp đến, người ta sẽ dùng một cái que bằng kim loại (gọi là ống ngoáy trầu) để nghiền nhỏ lá trầu và quả cau ra rồi mới nhai hỗn hợp này.
Trong đời sống hằng ngày, người ta ăn trầu theo một cách đơn giản. Thế nhưng, vào những dịp quan trọng như đám cưới, đám hỏi, lễ hội thì miếng trầu sẽ được xếp cầu kỳ hơn và cách têm đó gọi là têm trầu cánh phượng. Cách têm trầu này xuất phát từ vùng Kinh Bắc khi xưa (là tên một địa danh cũ ở phía Bắc của Việt Nam, nay bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Lạng Sơn, Hưng Yên và Hà Nội).
Tác dụng của việc ăn trầu
Nhai trầu từ xa xưa đến nay là thói quen của một số phụ nữ người Việt. Thông thường, đó là những người ở độ tuổi trung niên, những cụ già. Ngoài ra, ăn trầu cau còn thể hiện văn hóa giao tiếp ở nông thôn. Phụ nữ khi đến thăm nhà bạn đều được mời miếng trầu, sau đó họ mới hàn huyên, đàm đạo.
Người xưa ăn trầu còn là để bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau làm cho lợi răng co lại ôm sát lấy chân răng, làm hàm răng cứng chặt lại không lung lay. Còn trong y học cổ truyền người Việt Nam xưa đã dùng trầu cau như một thứ thuốc chống bệnh sốt rét rừng một khi vào rừng sâu săn bắn hoặc xuống biển mò ngọc trai, săn bắt đồi mồi…
Ngày nay, những người ăn trầu dần ít đi, đa phần chỉ còn các cụ già ở nông thôn là còn giữ phong tục này. Nếu về miền quê Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già móm mém vừa ngồi nhai trầu, vừa kể chuyện cho con cháu nghe một cách rất bình dị.
Nghệ thuật têm trầu cánh phượng
Để têm được miếng trầu đẹp, gồm: cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi, đòi hỏi người tiêm trầu phải khéo tay, gấp nếp miếng trầu vuông vắn. Têm trầu cánh phượng – Nghệ thuật của người Hà Nội “Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh.”
Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị, người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.Nhìn miếng trầu têm có thể phán đoán được tính cách, nết người têm trầu.
Nguồn gốc của trầu têm cánh phượng còn gắn liền với sự tích Tấm Cám. Rằng xưa kia có hai chị em là Tấm và Cám cùng cha khác mẹ, Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Vì ghen ghét với nhan sắc của Tấm nên mẹ con Cám thường bắt Tấm làm các công việc nặng nhọc. Trong một lần đi dự dạ hội của nhà vua, với sự giúp đỡ của bụt mà Tấm trở nên xinh đẹp với váy áo lộng lẫy. Sau đó vua đem lòng yêu và cưới Tấm làm hoàng hậu. Do ghen ghét nên mẹ con Cám lập mưu giết Tấm rồi đưa Cám thế chỗ Tấm làm vợ vua. Dù bị hãm hại nhưng Tấm hóa thành cây thị mọc ra quả thị to thơm nức. Một bà lão bán nước thấy quả thị to bèn hái thị đem về nhà và sau đó phát hiện trong quả thị có nàng Tấm xinh đẹp nên từ đó nàng ở cùng bà. Một lần nhà vua đi ngang qua quán nước của bà lão, chợt thấy miếng trầu têm cánh phượng giống với của Tấm từng têm trước kia nên hỏi và muốn gặp người têm trầu. Sau đó vua nhận ra Tấm và rước nàng về cung, trừng trị mẹ con Cám gian ác.
Khi têm trầu cánh phượng, người ta vẫn sử dụng những nguyên liệu là lá trầu, cau và vôi nhưng những món đó lại được sắp xếp với hình dáng cầu kỳ, kiểu cách. Điều này vừa thể hiện sự sang trọng của trầu cau trong các dịp lễ, lại vừa nói lên sự khéo léo của những người phụ nữ Kinh Bắc. Những miếng trầu câu này hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên và để lại ấn tượng sâu sắc cho người được mời.
Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa. Cách ăn trầu của người Hà Nội rất duyên dáng. Họ ăn trầu để làm đỏ môi, đen răng và tạo ra nét môi cắn chỉ rất đẹp. Khi ăn trầu, người Hà Nội không cho cả trầu và rễ vào một lúc mà ăn từng thứ một. Cau được nhai dập, rễ trầu được quét vôi rồi khi ăn, người ta lấy tay quệt ngang miệng để tạo nét môi cắn chỉ.
Cho tới ngày nay, tuy tục ăn trầu và mời trầu ít phổ biến như xưa lá trầu vẫn mang một ý nghĩa sâu xa nhất định trên nhiều lĩnh vực như y học, tâm lý xã hội, bản sắc truyền thống dân tộc, …Trầu cau chỉ là một thứ nhai chơi, tuy đơn sơ nhưng vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi, bởi miếng trầu đã mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.Những vật dụng dùng trong tục ăn trầu giờ đây đã trở thành di sản của một phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ mãi trong mỗi người Việt chúng ta.
Tục ngữ, Ca dao về tục ăn trầu
Dưới đây là một số câu tục ngữ và ca dao nói về tục ăn trầu cau của người Việt Nam ta từ xưa tới nay.
Thợ rèn không dao ăn trầu
Trẩu trẩu trầu trầu
Mày làm chúa tao
Tao làm chúa mày
Tao không hái ngày
Thì tao hái đêm
Trầu em trầu gói trong khăn,
Trầu gói trong áo, anh ăn sao đành
Gió đưa tờ giấy lên mây,
Gió đưa cô ấy lại đây ăn trầu.
Yêu nhau thì ném bã trầu,
Chớ ném gạch đá vỡ đầu nhau ra.
Vô giàn hái lá trầu giàn
Đem têm kiểu phụng bỏ ngang khay cừ
Bề mô rồi phụ mẫu cũng ừ
Lẽ mô phụ mẫu chối từ nghĩa con
Thương ai em nói khi đầu
Để cho thầy mẹ ăn trầu một nơi
Đôi ta như trầu với cau
Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng
Hai tay xách nước tưới trầu
Trầu bao nhiêu lá dạ sầu bấy nhiêu
Tôi đã biết tính chồng tôi
Cơm no thì nước, nước thôi thì trầu
Tình nhân bất luận khó giàu
Vải to khéo nhuộm cau màu cũng xinh
Trầu quế chọn ngọn cho chuông
Ăn cau chọn trái chửa buồng non xanh
Rượu đổ xuống cầu, rượu hòa theo nước
Trầu đổ xuống cầu, trôi ngược trôi xuôi
Xưa nay nhớ bạn ngùi ngùi
Bữa nay gặp bạn dạ vui khôn cùng
Anh về têm một trăm miếng trầu cho tinh tuyết,
Bỏ vào hộp thiếc, khay cẩn xà cừ
Để em vòng tay vô thưa với thầy, với mẹ: Gả chừ cho anh
Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng,
Hỏi thăm chị Xã nộp cheo làng mấy quan?
Anh lui về têm năm miếng trầu cho tốt
Chuốc một chén rượu cho đầy
Đặt lên tràng kỉ, bàn xây
Anh đứng đó, em lại đứng đây
Để em thưa mẹ, để em bẩm thầy
Người có y tâm chước lượng bận này ta trao duyên
Thèm trầu mà chẳng dám xin
Thương em mà chẳng dám nhìn mặt em
Trầu vàng ăn với cau sâu
Lấy chồng thua bạn thêm sầu mà hư
Con ơi học lấy nghề bà
Trầu xin thì đớp, trầu mua thì đừng
Ôi anh đi cái ô vàng
Có trầu xin miếng hỡi chàng đi ô
Em cầm trái cau vừa lau vừa róc
Em cầm lá trầu vừa rọc vừa têm
Để vợ chồng lời thuận nghĩa êm
Chồng kêu vợ dạ mới thật là con gái khôn
Diết da da diết quá chừng
Em cho anh chúi một cái em đừng kêu đau
Đến mùa bẹ ấp cành cau
Anh mang con lợn, cơi trầu đền em
Tôi xin các bác giãn ra
Để tôi đối địch với ba cô này
Được thời ăn đĩa trầu đây
Thua thời cởi áo dang tay ra về
Ngã tư nơi hẹn chốn hò
Gặp nhau liếc mắt dặn dò đôi câu
Chàng đưa thuốc, thiếp trao trầu
Thắm tình Cẩm Lệ, mặn vôi Thanh Hà
“Yêu nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”
“Miếng trầu ăn kết làm đôi. Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng.
Trầu xanh, cau trắng, chay hồng. Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”.
[voice]